Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Khúc Phong cầm

Khúc Phong cầm

97
0

Không đòi hỏi bất cứ điều gì, chỉ hát và hát, bốn mùa, từ đông lạnh giá rét cho đến xuân hạ ấm áp hay thu vàng não nùng. Đôi khi tôi liên tưởng đến một vị Bồ-tát với hạnh nguyện đem tiếng hát của mình làm ấm lòng nhân loại, ấm lòng cỏ cây, vạn vật mà không cần biết gì thêm nữa…

“Hãy yêu thương đời sống, hãy biết chìa tay đón nhận những nỗi buồn của tha nhân và chia sẻ, hãy là một chiếc phong cầm mang hơi ấm đến cho bạn bè, cho những người chung quanh ta như cây phong cầm nhỏ kia con ạ, cuộc đời ngắn ngủi lắm, nếu không tỉnh thức thì mọi sự có thể muộn màng…”. – Thầy đã nói như vậy với tôi trong một lần thầy trò cùng ngồi hàn huyên tâm sự chuyện đời, chuyện người, chuyện mình. Và tôi nhớ dường như trước mỗi chuyến đi, Thầy cũng hay nhắc câu này. Mang hơi ấm cho người cao tuổi, đó là tên chuyến đi trong mỗi mùa đông.

2.
Tạo hóa sinh cho con người có đôi bàn tay, để chìa ra cầm nắm những ân sủng cuộc đời, để ngữa ra đón nhận sự ban tặng của đồng loại, để úp xuống ban tặng cho ai đó chút thơm thảo tự lòng mình… Và một ngày kia, để phủi hai tay vào nhau với nắm đất bụi hững hờ mà tiễn người thân đi vào vĩnh hằng gió cát. Và bàn tay cần được sưởi ấm, cần được nâng niu ngọn lửa giữ tình thương, giữ niềm tin, giữ niềm hy vọng…

Câu chuyện Mang hơi ấm cho người cao tuổi của Thầy bắt đầu từ những buổi sớm ra vườn, nhìn hàng cây lá rụng, nhìn những lóng xương cây run rẩy dưới sương trời vì gió biển (cây ở đây có nét đặc trưng mang thân phận lạc lỏng xứ cát của nó, tươi xanh vào mùa lá rụng và xơ xác vào mùa lá xanh bởi không chịu nổi cái gió mang hơi mặn từ biển khơi). Thầy miên man nghĩ đến những người già phải chịu cái lạnh buốt thịt da nơi xóm biển, nghĩ đến những người mẹ cô đơn vì con đi xa, nghĩ đến những người không nơi nương tựa…

Ở xóm biển này, mỗi mùa đông đến, người ta mang lưới ra bọc những cây non cho chúng khỏi trụi lá, mong chúng sống sót cho đến mùa xuân… Nhưng, những người neo đơn, những người cao tuổi phải chịu gió rét thì sao? Ý nghĩ ấy thôi thúc, Thầy vào thư phòng viết thư vận động những người con xa xứ hãy nghĩ đến quê nhà, hãy gửi một chút lòng thơm thảo cho bà con nghèo cố hương. Và Thầy cũng trút ống những đồng tiền có được nhờ đạo hữu, phật tử cúng dường để cộng hưởng mua sắm những đôi vớ, những chiếc áo ấm len, những viên thuốc, những phần quà tuy không lớn những cũng đủ sưởi ấm ít nhiều cho những ai đang giá lạnh.

3.
Và cũng từ dạo ấy, câu chuyện Mang hơi ấm cho người cao tuổi  trở thành nếp hoạt động định kỳ của chư Tăng, Phật tử Tịnh xá Ngọc Hòa. Mỗi độ đông về, bà con đồng hương ở hải ngoại lại cùng góp một phần nhỏ vật chất, góp một chút lòng gửi về cùng thầy để mua quà, để đến thăm từng nhà, chia sẻ, động viên và tặng quà cho các cụ, các mẹ (60 tuổi trở lên).

Xóm biển còn nhiều cụ già 70, 80 tuổi có con làm nghề biển, những đứa con không may của các cụ đã gửi thân vào lòng đại dương, còn lại cụ cùng bầy cháu nhỏ, có đứa bỏ học đi câu mực thuê, có đứa vừa học vừa làm, có đứa chưa đến trường… Dù có chật vật lăn lộn đến mấy đi nữa, cái nghèo, cái khó vẫn cứ đeo dẳng, vẫn cứ làm bạn. Và chuyện mua một cái áo ấm với người may mắn có cái ăn cái để là bình thường thì với các cụ nghe quá ư xa vời, lạ lẫm… Khi cầm món quà trên tay, nắm bàn tay ấm áp sẻ chia của đoàn chư Tăng, Phật tử, các cụ không khỏi bùi ngùi xúc động. Và hình như các cụ xúc động thì ít mà người chứng kiến xúc động thì nhiều, bà con xóm biển mình còn nghèo quá!
4.
Thế giới khủng hoảng kinh tế, đất nước rơi vào khủng hoảng chung, lụt miền Trung làm cho nhiều bà con bị mất trắng mùa, biển động liên tục, ngư dân không ra khơi được, những con thuyền nằm liu riu mắt bên bờ như người buồn ngủ, xóm biển trở nên vắng lặng hơn bao giờ, năm hết, Tết đang cận kề sao nghe xa vời quá. Cái ăn còn chưa lo xong mà nghĩ gì đến Tết!

Chiều chiều, thầy ngồi nhìn ra xóm biển, hiểu được sự im lặng bất thường ở đây, thầy lại gọi điện, vận động quyên góp được ba mươi tư triệu đồng, mua gạo, nhờ các vị cao tuổi, các chức sắc trong thôn lên danh sách những người cần được tặng quà với tiêu chuẩn hộ quá khó khăn nhận được 50kg gạo, những hộ nghèo mỗi hộ 15kg. “Tuy số gạo không nhiều nhưng dù sao cũng chia sẻ, làm ấm bụng được ít ngày trong dịp Tết này, rồi sẽ còn chính quyền, còn đoàn thể tặng thêm nên hy vọng bà con ăn Tết vui” – Thầy tâm sự.

5.
Buổi chiều phát chẩn (ngày 12 tháng Chạp năm Nhâm Tý [2008]). Có lẽ đó cũng là buổi chiều cho tôi nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm nhất ở xóm biển này, những người già, những em bé, những chị ẵm con đến đứng kín sân Tịnh xá, thầy khoác chiếc cà sa vàng, đứng đợi bà con đến đầy đủ, phát biểu đôi lời với nội dung đây là buổi phát chẩn ủy lạo của Tịnh xá bằng số tiền 2.000USD do bà con Việt Kiều đồng hương từ Mỹ gửi về. Sau lời chúc mọi người sức khỏe, bình an, có một cái Tết ấm áp, thầy dặn các Phật tử hãy đứng sẵn bên cạnh thầy đợi xem có cụ già nào không đưa được gạo về nhà thì hãy mang giúp.

Tôi đã nhìn thấy những bàn tay chìa lá phiếu nhận quà, tôi đã thấy những nụ cười nở trên môi khô, tôi đã thấy những em bé vui như ngày hội, tôi đã thấy một cụ già phụ kéo bao gạo với một cụ già khác lúc chưa có anh Phật tử đến vác hộ, tôi đã thấy những người mẹ bồng con đứng nhìn niềm vui người khác mà mắt rưng rưng… Tôi đã thấy nhiều điều mà nếu những ai quen sống ở thành phố, quen chăn ấm nệm êm và nhà hàng sẽ không bao giờ thấy được, không bao giờ thấu hiểu được! Tôi thấy tự dưng tôi hơi muốn khóc, điều này dường như đã vắng bóng trong tôi lâu lắm rồi bạn ạ!

Và trong lúc ấy, phía bên trà phòng, gió nhẹ làm rung những hồi phong cầm nghe thánh thót, ngân nga như một lời tâm sự nhỏ to của vô thường. Tự dưng, tôi như ngộ ra ý nghĩa của những tiếng phong cầm, ý nghĩa của tồn tại, ý nghĩa của sẻ chia và ý nghĩa của sự dâng hiến trước đời sống mênh mông này…. Tôi tin rằng trong đời sống này, mỗi ai đó tự nguyện làm một chiếc phong cầm nhỏ thì sẽ thấy cuộc đời này đẹp và đáng yêu, đáng sống biết nhường bao! Tiếng phong cầm nho nhỏ của tôi ạ!

P.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here