Trang chủ Văn hóa - Lịch sử GS.TS. Thái Kim Lan: Văn hoá Phật giáo là nền tảng của...

GS.TS. Thái Kim Lan: Văn hoá Phật giáo là nền tảng của văn hoá Việt Nam

97
0

PV: Thưa TS văn hóa là một vấn đề rất chung nhưng cũng rất riêng, vì ai cũng có văn hóa, nhưng không ai giống ai. Vậy thế nào là văn hóa Phật giáo Việt Nam?

GS. TKL: Văn hóa Phật giáo Việt Nam là nền văn hóa lấy giáo lý đức Phật làm trung tâm, xảy ra trên đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam, trong xã hội Việt Nam, trong lịch sử Việt Nam… gọi là văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cụ thể, nếu ta lấy sự truyền bá Phật giáo vào Việt Nam cách đây 2000 năm thì đồng nghĩa với ta có chừng ấy năm văn hóa Phật giáo Việt Nam. Như vậy, qua thời gian văn hóa Phật giáo đã thấm nhuần vào phong tục tập quán, lối sống, hình thành tư tưởng tình cảm… của người Việt Nam. Tất cả những cái đó gọi là văn hóa Phật giáo Việt Nam.

PV:  Văn hóa phật giáo Việt Nam được thể hiện trên rất nhiều phương diện. Vậy trọng tâm của văn hóa Phật giáo Việt Nam là cái gì?

GS.TKL: Đó là đạo đức. Vì văn hóa Phật giáo nhấn mạnh đến cách thế sống của con người trong môi trường xã hội Việt Nam. Nó định hướng cho con người tư duy và hành động để đạt đến mục đích sống cao nhất cho bản thân và cộng đồng xã hội, thậm chí là môi trường thiên nhiên. đó là tính thiện, tính hướng thiện. Điều này chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp qua ca dao tục ngữ: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, nhân nào quả nấy … đó đều là những phạm trù đạo đức

PV: Xin TS thử định vị trí của văn hóa Phật giáo trong dòng chảy văn hóa Việt Nam?

GS.TKL:Nó là nền tảng của văn hóa Việt Nam. Tôi nói nền tảng bởi vì nó là cơ sở để người Việt tồn tại và phát triển trên phương diện quốc gia, dân tộc, tư tưởng… chúng ta biết sự kiện 1000 năm đô hộ giặc Tàu. Sự đô hộ tất nhiên diễn ra trên tất cả mọi phương diện, nhưng nặng nề nhất là ở tư tưởng. Nếu sự đô hộ bằng biên giới thì sau khi đánh đuổi kẻ thù ra khỏi biên giới là hết, còn vấn đề tư tưởng nó năm trong đầu không đễ gì gột rửa được, thậm chí kéo dài cả nghìn năm, và rất nhiều dân tộc trên thế giới bị biến mất bằng mỹ từ đồng hóa. Trung quốc đã dùng Nho giáo để khống chế tư tưởng dân tộc ta cho mục đích đồng hóa. Chính lúc đó Phật giáo với những nét gần gũi, dung dị mà sâu lắng phù hợp với dân tộc ta được lựa chọn để làm tiêu chỉ đề kháng lại với tư tưởng Đại Hán xâm lăng phương bắc, cho sự độc lập của dân tộc. Điển hình là những trường hợp các vua đời Lý, đời Trần, có thể nói tuyên ngôn độc lập của những tiền nhân này khởi từ ý thức và trải nghiệm về khái niệm “giải phóng khổ đau”, từ sự vận dụng trí tuệ khai phóng, từ chí nguyện thực hiện từ bi cho người bị áp bức, nghèo khổ, và uy dũng quyết tâm thực hiện chính nghĩa con người.

Một ví dụ nữa. Festival Huế tổ chức rất nhiều lần, nhưng tôi cảm giác chưa chạm được đến chiều sâu nhất của văn hóa Huế, điều đó cũng có nghĩa là chưa thành công. Bởi vì sâu nhất của văn hóa Huế là Phật giáo. Văn hóa phật giáo bàng bạc trong không gian, thấm đẫm trong hồn người sông Hương núi Ngự, chừng nào chưa khai thác, khai thác chưa hết yếu tố này chừng đó Festival Huế vẫn chưa thành công.

PV: Nói Phật giáo là hệ tư tưởng cho độc lập dân tộc. Nhưng Nho giáo là sản phẩm của dân tộc Trung Hoa, Phật giáo là sản phẩm của dân tộc Ấn Độ. Không ảnh hưởng Nho thì ảnh hưởng Phật, bản chất của nó đâu có gì khác nhau?

GS.TKL: Khác nhau rất nhiều. Nho giáo đã là hệ tư tưởng của kẻ thù thống trị dân tộc ta, và  ra sức đồng hóa dân tộc ta qua con đường văn hóa Nho giáo. Để thoát khỏi một ảnh hưởng văn hóa phải dùng một hệ thống văn hóa khác xứng tầm. Lúc này văn hóa Phật giáo là duy nhất để lựa chọn. Hơn nữa, Ấn Độ ở rất xa ta và chưa bao giờ xâm lược ta. Mặc khác, ở đây ta xét đến tính nội tại của văn hóa Phật giáo. Đó là tính độc lập rất cao. Nó phá vỡ mọi lệ thuộc, đưa con người đến đỉnh cao của chân lý và sáng tạo. Một đặc điểm nữa, Phật giáo là một nền văn hóa mở, ở đó dân tộc ta có thể tìm thấy những điều phù hợp cho mình, và sáng tạo đóng góp vào hệ thống giá trị đó, nên ta mới có Phật giáo Việt Nam, khác với Phật giáo các nước.

PV: Như TS nói Phật giáo có rất nhiều cái hay. Nhưng chúng ta thấy ngày nay Phật giáo chỉ có những người lớn tuổi, người chết, người không còn những khát vọng trần thế. Phải chăng Phật giáo ít chia sẽ những giá trị thời đại?

GS.TKL: Già và chết nằm trong tiến trình của của sự sống, hơn nữa đối với Phật giáo chết cũng chưa phải hết. Nên quan tâm đến người già, chết là cần thiết và hết sức nhân bản. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận là Phật giáo ít quan tâm đến nhu cầu của giới trẻ để có cách tiếp cận phù họp nên không thu hút được họ là đương nhiên. Giới trẻ ngày nay nghĩ gì, thích gì, có những đau khổ gì… đó là những vấn đề phải được đặt ra, trên cơ sở đó đem tinh thần khế lý khế cơ của Phật giáo ra mà vận dụng để đáp ứng. Đáp ứng được thì họ theo là tất nhiên. Đây là tại chúng ta chưa vận dụng, không vận dụng, chứ không phải Phật giáo không có khả năng đáp ứng. “Phật giáo tại thế gian, bất ly thế gian giác” tôi nghĩ đây là then chốt của vấn đề, và đây cũng là trách nhiệm của ngành văn hóa Phật giáo. Hơn nữa, có ai “mới” và “trẻ” hơn vị Phật Hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm, với công án dành cho hậu thế: hãy sử dụng gia tài văn hoá Phật giáo như chìa khoá mở cửa sáng tạo!

PV: Đến với hội thảo này điều tâm đắc nhất TS muốn chia sẽ là gì?

GS.TKL: Như tôi đã nói đó là đạo đức Phật giáo. Đạo đức xã hội đang xuống cấp đến mức báo động. Con đánh cha, vợ giết chồng, thầy giáo xâm hại học trò, cán bộ tham nhũng, người dân xem thường pháp luật, giới trẻ ngày càng sa đọa… đó là những biểu hiện băng hoại đạo đức trong xã hội, trong khi Phật giáo có một kho tàng đạo đức đồ sộ được kiểm định chất lượng qua lịch sử dân tộc, được cộng đồng quốc tế công nhận mà không đem ra ứng dụng được thì rất đáng tiếc. Tất nhiên để đi đến tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân như chiến tranh và nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng đây là thời điểm thích hợp để ta làm những việc này. Và tôi nghĩ những hội thảo như thế này là vô cùng cần thiết, kịp thời của ngành văn hóa Phật giáo, rất đáng khích lệ và nên mở rộng.

PV: Hội nhập là xu thế tất yếu ngày nay, TS nghĩ Phật giáo có thể đóng góp được gì cho xu thế đó?

GS.TKL: Rất nhiều. Tôi nói cụ thể, hội nhập với quốc tế là để thế giới thấy được cái hay cái đẹp của Việt Nam, và học hỏi người ta để nâng cao đất nước, con người, văn hóa mình, chứ không phải chìm nghĩm trong bể mênh mông của văn hóa nhân loại. Muốn như thế thì những gì là tinh hoa của ta phải định cho rõ, phải phổ cập cho rộng rãi, phải thấm nhuần cho sâu xa. Ở đây, như tôi đã nói từ đầu, văn hóa Phật giáo qua thời gian đã thấm nhuần trong phong tục, tập quán, trong tâm tư, tình cảm giúp định hình nên cốt cách Việt… đây là điểm rất quan trọng mà ngành văn hóa Phật giáo nói riêng, Giáo hội Phật giáo nói chung phải nắm thật chặc để vun đắp cho cội nguồn văn hóa Việt. Nếu làm được như thế sẽ là một đóng góp vĩ đại nữa của Phật giáo cho dân tộc trong thời đại mới. Tôi xin nhắc một câu của điều Ngự Giác Hoàng Trân Nhân Tông: “đừng để tầm thường xuân luống qua”

PV: Xin được hỏi một câu riêng tư. Đức là đất nước của triết học. Chúng ta không lạ gì những tên tuổi lớn như Kant, Hegel, Nietzsche, Heidegger, Marx… và triết học là một ngành rất nam tính. Một phụ nữ Việt Nam dạy triết học tại đây. TS có bí quyết gì không?

GS.TKL: Không có bí quyết gì hết. Chắc là do duyên, do Phật phù hộ và do nổ lực của bản thân mà thôi. Nhưng phải chăng “Phật phù hộ” là một bí quyết, bí quyết hướng tâm về điều thiện mà đó là ý nghĩa của văn hoá như động lực cải thiện, làm đẹp đời sống  không ngừng?

PV: Xin cảm ơn TS về buổi nói chuyên này.

VHPG

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here