Trang chủ Vấn đề hôm nay Giải đáp các khủng hoảng đương thời

Giải đáp các khủng hoảng đương thời

193
0

 

Giải đáp cho ‘khủng hoảng tư duy’

Khủng hoảng cơ bản nhất của cá nhân và xã hội là khủng hoảng của chính tư duy của cá nhân.

Từ xa xưa, tư duy đã được xem là thước đo của các hiện hữu: nó ban phát giá trị cho mọi sự vật. Nó được sử dụng như là phương tiện chủ yếu để tìm kiếm chân lý và hạnh phúc.Nhưng, chính nó đã tạo cho sự vật một tự ngã (self) tưởng tượng, trong khivật thực sự không có tự ngã. Từ đây, tư duy con người tạo ra một thế giới giá trị tưởng tượng đầy dẫy các mâu thuẫn và rối loạn. Càng dấn thân sâu vào thế giới giá trị tưởng tượng ấy, con người càng chìm vào trong bóng tối của tư duy và trong một cuộc khủng hoảng gọi là ‘khủng hoảng tư duy’.

Với tư duy hữu ngã, con người thấy sự vật có một ngã tính thường hằng, và chấp thủ nó. Thấy như thế gọi là ‘điên đảo kiến’ che mờ tâm thức khiến không thấy được thực tại tự thân. Thế nên, con đường giải quyết ‘khủng hoảng tư duy’ là đi ra khỏi ‘điên đảo kiến’ hay đi vào ‘chánh kiến’ thấy rõ sự thật Duyên Khởi có mặt khắp vạn hữu. Thấy vậy, con người sẽ nhận ra rằng: tư duy hữu ngã là trống rỗng; dục vọng là từ từ duy hữu ngã mà khởi; thế giới các ngã tướng là rỗng không, và tham, sân, si liên quan với thế giới đó cũng rỗng không: con người được giải thoát khỏi trói buộc của chúng. Ðây là lời giải đáp của ‘khủng hoảng tư duy’ mà con người đang mong đợi.

Không có gì bí mật ở trong dục vọng, trong khổ đau hay hạnh phúc của con người v.v… ngoại trừ tư duy hữu ngã. Dập tắt tư duy hữu ngã là dập tắt ‘cuộc khủng hoảng của tư duy’ vậy.

Giải đáp cho ‘khủng hoảng dục vọng’

Tư duy hữu ngã còn gây ra một cuộc khủng hoảng khác: từ tư duy, dục vọng dấy khởi và gây rối loạn cho tâm thức con người như tác giả đã bàn ở mục (II.1.2) của tác phẩm. Con người hiện diện ở đời như là một người khát nước ở ngoài biển khơi đang uống nước mặn. Càng uống thì càng khát và càng khát thì càng uống. Uống nước mặn không phải là lời giải đáp cho người khát. Tương tự đối với người đời: ham muốn các cảm giác và sự vật không phải là lời giải đáp cho nỗi khổ đau. Ðây gọi là ‘khủng hoảng dục vọng’ hay ‘điên đảo tâm’.

Rơi vào ‘điên đảo tâm’, con người thường không còn chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục ham muốn: rồi ham muốn tăng trưởng mạnh đến độ nó được thấy như là thực nghĩa của sự sống, do đó không thấy được lối ra. Giáo lý Duyên Khởi, Năm thủ uẩn và Tứ thánh đế của Phật Giáo cùng nói lên một sự thật: ‘dục vọng là nguyên nhâncủa khổ đau’, và con đường thoát ly khổ đau là con đường chấm dứt dục vọng như đã được bàn ở (IV.2.1.)

Như thế, nếu tư duy hữu ngã diệt, thì ‘khủng hoảng dục vọng’ diệt; nếu tư duy vô ngã vận hành, thì ‘khủng hoảng dục vọng’ đi đến chấm dứt. Ðây là sự giải đáp cho cuộc ‘khủng hoảng dục vọng’.

Ngoài các khủng hoảng trên, một số các khủng hoảng khác cũng xuất hiện do sự hiện diện của tưduy hữu ngã như phần trình bày kế tiếp đề cập.

Giải đáp cho ‘khủng hoảng con tim’

Tư duy hữu ngã có chiều hướng gán cho mỗi hiện hữu một ngã tính thường hằng. Ðối với tình yêu dành cho bố mẹ, nó gọi la ‘hiếu’, và định nghĩa ‘hiếu’ là các bổn phận mà mỗi người con trai / con gái phải chu tất đối với bố mẹ. Nếu các bổn phận ấy không được người con thể hiện, thì người con sẽ không xứng đáng làm người.Ðấy là ý nghĩa của ‘hiếu’ theo Khổng giáo.

Ðối với tình yêu dành cho xứ sở, nó gọi là ‘trung’ và định nghĩa ‘trung’ là các bổn phận người công dân phải làm cho xứ sở, hay vì quốc vương của mình. Nếu người công dân không thi hành các bổn phận ấy thì không xứng đáng hiện diện ở đời. Ðó là nghĩa chữ ‘trung’ theo các nhà Khổng học.

Với tình yêu dành cho người yêu, nó gọi là ‘tình’, và định nghĩa ‘tình’ là mối liên hệ tình cảm thân thiết đòi hỏi vợ / chồng có bổn phận lo cho nhau. Nếu người vợ /chồng không chung thủy với người yêu bởi bất cứ lý do nào, thì vợ / chồng là người có lỗi, không xứng mặt ở đời. Như thế là ý nghĩa chữ ‘tình’ theo các nhà Khổng học.

Tuy nhiên, đời sống có lắm phức tạp con người có nhiều lúc gặp phải các tình huống mà không thể thi hành bổn phận của mình đối với bố mẹ, đối với xứ sở, hoặc đối với vợ /chồng; trong tình huống đó, con người sẽ là ‘bất hiếu’, ‘bất trung’ hay‘bạc tình’ sẽ rất khổ tâm phải chọn lựa, và sẽ gây quá khổ đau đến khôngthể tồn tại. Ðấy là trường hợp các bi kịch do các khái niệm về ‘hiếu’, ‘trung’ ‘tình’ v.v… gây ra.

Thế nên, trong các trường hợp ấy – rất nhiều trường hợp xẩy ra trong lịch sử của người Trung Hoa và Việt Nam; câu chuyện ‘Le Cid’ trong văn học Pháp cũng là một mẩu chuyện điển hình – Con người cần nghe theo tiếng gọi của con tim, mà không phải theo tiếng gọi của các khái niệm tưởng tượng. Ở đây sẽ không có một chọn lựa nào tốt đẹp, bởi vì sự chọn lựa nào cũng đầy nước mắt do tư duy hữu ngã gây ra.

Theo tư duy vô ngã, ‘hiếu’, ‘trung’ hay ‘tình’ là do ‘duyên’ mà sinh, là vô ngã; chúng cần được định nghĩa lại trong một ý nghĩa cởi mở thế nào để thể hiện nhân bản, hữu ích cho cá nhân và hạnh phúc cho các cá nhân trong hiện tại.

Ngoài ra, một số phong tục, tập quán, một số luật lệ xã hội, hay một số kỷ luật học đường có thể đem lại nước mắt cho con người cũng cần được đánh giá lại hầu để cá nhân sống hạnh phúc như một con người.

Giải đáp cho ‘khủng hoảng tình cảm’

‘Khủng hoảng con tim’ nói trên là do các lý do ở bên ngoài con người gây ra. Còn có một phương diện khác của ‘khủng hoảng con tim’ do các lý do nội tại của cá nhân gây ra, do thói quen của tình cảm gọi là ‘khủng hoảng tình cảm’. Sự khủng hoảng này vận hành qua nhiều mặt:

‘Văn hóa đương thời do tư duy hữu ngã tạo nên, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức con người: tư duy, cảm giác, cảm thọ… Văn hóa trở nên thân thiết với con người đến đó nó được xem là thực tại: con người không thể từ bỏ nó, hay từ bỏ phần nào của nó, ngay cả khi con người nhận ra nó sai lầm, hay khổ đau, và đã nhận ra rõ ràng có con đường sống tốt đẹp hơn do tư duy vô ngã dẫn đạo. Sự kiện này được gọi là ‘điên đảo tình’ hay ‘khủng hoảng tình cảm’.

* Mọi giá trị do nền văn hóa ấy tạo ra cũng trở nên rất gần gũi với con người dù thường đem đến cho con người nước mắt do các giá trị điên đảo của chúng. Nhưng, con người vẫn thích hiện hữu với chúng hơn là hiện hữu với các giá trị mới.

* Con đường giáo dục cũ là bất toàn, nhưng vẫn rất khó cho con người nghĩ đến một hướng mới của giáo dục để thực hiện con đường mới. Sự việc này xảy ra do ‘điên đảo tình’ của con người.

* Trường hợp một người ngoài Phật giáo, cả đến khi họ nhận ra sự thật của đời sống khác hẳn với những gì họ đang tin tưởng, họ vẫn không thể rời bỏ niềm tin cũ để đến với sự thật: đây cũng được gọi là ‘điên đảo tình’.

Hiện tượng ‘điên đảo tình’ ấy có vẻ đơn giản nhưng quả thật là một sự ngăn che tâm thức đầy nguy hại. Lời giải đáp cho sự điên đảo đó hẳn là phải thực hành lập đi lập lại nhiều lần cái nhìn trí tuệ để có một niềm xúc cảm mới thay thế cho tập quán tình cảm cũ.

Giải đáp cho ‘khủng hoảng đạo đức’

Ðạo đức hay luân lý cũng là một giá trị sống do tư duy hữu ngã tạo ra. Ðạo đức được hiểu như là ‘những điều nên làm’ và ‘những điều không nên làm’ cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và xứ sở, nó vốn là sản phẩm tư duy của con người. Nên, khi có mặt ‘khủng hoảng tư duy’ thì liền có mặt ‘khủng hoảng đạo đức’.

‘Khủng hoảng con tim’ cũng là cái gì của đạo đức, một cái gì liên hệ với đạo đức; khi ‘khủng hoảng con tim’ xuất hiện thì ‘khủng hoảng đạo đức’ xuất hiện.

Ở một phương diện khác của xã hội con người, đạo đức được hiểu là mối liên hệ giữa con người với con người trong xã hội; khi kinh tế phát triển nhanh, mối liên hệ ấy hẳn phải thay đổi ngoài ý muốn của con người. Tương tự, khi một chính sách hay một thể chế chính trị thay đổi, mối liên hệ kia không thể duy trì theo nếp cũ. Ðiều này gây ra sự ‘khủng hoảng đạo đức hay luân lý’.

Nếu con người sống theo những lời dạy của đức Phật về Bát thánh đạo và xem Giới uẩn như là đạo đức ở đời, thì sẽ không bao giờ có ‘khủng hoảng đạo đức’ dù đời sống có đổi thay. Ðây là lời giải đáp đúng cho ‘khủng hoảng đạo đức’.

Giới uẩn là nếp sống không mang một nhãn hiệu nào. Nó không có ý nghĩa nào về bất cứ tôn giáo nào nên nó có thể được áp dụng vào nhà trường cho các học viên mà không có sự kỳ thị nào.

Phải chăng đã đến lúc giáo dục chấp nhận Giới uẩn như là đạo đức của học đường hiện đại?

Giải đáp cho ‘khủng hoảng  môi sinh’

‘Khủng hoảng môi sinh’ là vấn đề nóng bỏng mà nhân loại đang rất quan tâm.

Như tác giả nói đến ở (II.2.3.), khủng hoảng môi sinh là sự ô nhiễm môi sinh do các phóng xạ, sự phân hạch, bụi bặm thiên nhiên, cháy rừng, giao thông vận tải, sự thiêu đốt, và các nguồn khác. Ðây là hậu quả của sự phát triển nhanh kỹ nghệ, như đầu tác phẩm đã nói, rất có hại; nó cũng là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm đối với môi sinh của con người, có thể dẫn đến sự tận diệt của loài người trong một tương lai rất gần. Như vậy, sự bảo vệ môi sinh cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Một triết lý và một con đường giáo dục vì môi sinh là cần thiết để sắp đặt các vấn đề sau đây:

* Giáo dục con người nhận thức mối liên hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên qua giáo lý Duyên Khởi và Năm uẩn ngõ hầu con người có thể tự nguyện bảo vệ môi sinh.

* Giải thích các hiểm họa do ô nhiễm môi sinh gây ra.

* Chỉ rõ rằng ham muốn của con người về lợi lộc và uy quyền có thể gây ra khổ đau cho con người.

* Gợi ý những gì phải làm cho việc bảo vệ môi sinh.

Một triết lý và giáo dục như thế, như tác giả trình bày qua suốt tác phẩm, có thể tìm thấy từ Duyên Khởi và Năm thủ uẩn. Ðây là giải đáp cho ‘khủng hoảng môi sinh’ và cho sự an sinh trên trái đất.

Giải đáp cho ‘khủng hoảng giáo dục’

Thật là hiển nhiên rằng các thứ khủng hoảng trên có mặt là do sự có mặt của một nguyên nhân gọi là ‘Khủng hoảng giáo dục’.

Nếu giáo dục không được xây dựng trên cơ sở một lý thuyết Nhân Tính đúng đắn tạo nên do cái nhìn trí tuệ, nó sẽ đi lệch hướng về việc truyền đạt các kiến thức trống rỗng và các điều giáo dục không thích hợp cho học viên, và sẽ đem lại khổ đau cho đời. Do vì bị chế ngự bởi tư duy hữu ngã và các tướng hữu ngã, mọi tiêu chuẩn giá trị trong nền giáo dục ấy chỉ có thể tạo ra một thế giới tưởng tượng để sống, mà không phải là thực tại chính nó. Con người có thể mong chờ những gì từ thế giới ấy nếu không phải là một sự thất vọng định mệnh! Con người có thể mong chờ những gì từ kinh tế, chính trị, cạnh tranh v.v… đi cùng với tham, sân, si, hận thù v.v.., nếu không phải là sự xây dựng trên trái đất một thị trường thực phẩm khổng lồ, một thị trường vũ khí giết người hàng loạt v.v… chỉ đem lại sự tàn lụi và sợ hãi? (!).

Nếu giáo dục đặt cơ sở trên tư duy vô ngã xem con người là một hiện hữu duyên sinh hay là Năm thủ uẩn, mà không phải là một thực thể (entity), thì giáo dục sẽ tìm ra một đường hướng đúng cho việc ‘dạy con người những gì’ và ‘dạy như thế nào’?: bấy giờ vai trò của giáo dục là giúp đỡ con người thấy rõ sự thật của chính mình, sự thật của thế giới, và loại bỏ hết thảy nguyên nhân của phiền não, khổ đau để được hạnh phúc trong hiện tại và tại đây. Ðây là giải đáp xác đáng cho ‘khủng hoảng giáo dục’.

Ðấy là các sự khủng hoảng hiện nay của xã hội và các giải đáp cho các khủng hoảng ấy.

Lịch sử nhân loại chứng tỏ rằng tư duy hữu ngã của nhị nguyên tính đã và đang chế ngự văn hóa nhân loại trên trái đất hơn ba mười thế kỷ, nhưng khổ đau của sanh, già, bệnh, chết do tham ái và chấp thủ của con người gây ra vẫn còn nguyên ở đó, các mâu thuẫn, đấu tranh, thất vọng, tàn hại và sợ hãi của con người càng ngày càng gia tăng mà không có giải đáp. Nhân loại còn mong chờ gì ở nền văn hóa ấy?

Những lời đức Phật dạy trong kinh tạng Pàli khơi gợi một con đường tư duy mới của vô ngã vốn khác hẳn quan điểm của các tôn giáo và triết lý khác. Con đường tư duy này không nhìn con người hay thế giới là một thực thể có bản chất thường hằng, mà là một hiện hữu năng duyên và sở duyên, có thể đem đến cho nhân loại hạnh phúc trong hiện tại và những lời giải đáp rất hữu ích nếu con đường tư duy ấy được đem áp dụng vào đời sống thực. Những lời dạy ấy có thể sử dụng ở trường học, đại học như là một môn học chính của ngành triết học: triết lý giáo dục, tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu trong ngành giáo dục, hay lý thuyết về Nhân Tính. Tại sao lại không thể? – Con đường tư duy ấy, hay cái nhìn sự vật ấy, sẽ giúp giáo dục điều chỉnh lại các lý thuyết NhânTính vốn phi thực, điều chỉnh lại tinh thần giáo dục cạnh tranh vốn gây tổn hại đến tinh thần hợp tác; con đường tư duy ấy sẽ giúp sinh viên, học sinh phát triển tư duy độc lập và sáng tạo, và xóa tan các vấn đề phiền não trong đời sống hằng ngày một cách hữu hiệu; sau cùng, con đường tư duy ấy sẽ đề bạt tiêu chuẩn giá trị đạt cơ sở trên hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng mà không phải trên luân lý, đặt cơ sở trên trí tuệ mà không phải trên kiến thức tưởng tượng, đặt cơ sở trên tình người và nhân bản mà không phải trên hận thù và đấu tranh v.v…

Ðây là lý do tại sao tác giả chọn đề tài ‘Lý thuyết Nhân Tính hiển lộ qua Kinh tạng Pàli’ làm đề tài luận án tiến sĩ Phật học. Khi chọn đề tài này, tác giả nhận thức rõ các khó khăn trong việc trình bày giáo lý Phật giáo như một con đường sống và con đường giáo dục cho người đời, và các khó khăn trong việc thuyết phục tha nhân chấp nhận con đường sống và giáo dục ấy. Nhưng khó khan không có nghĩa là không thể, thế nên tác giả tự thuyết phục mình tiến hành công trình biên khảo với niềm tin có thể. Hãy để công trình được thử thách, tác giả thiết nghĩ ‘Cái gì đến sẽ đến’.

Trích từ sách- “Lý thuyết Nhân Tính qua Kinh tạng Pàli”                                           

                                                                                                                          HT.Thích Chơn Thiện

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here