Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đề tài Phật giáo trên đồ gốm sứ Việt Nam

Đề tài Phật giáo trên đồ gốm sứ Việt Nam

140
0

Đây là một vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ giới thiệu những đề tài Phật giáo thể hiện trên đồ Gốm Sứ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, để độc giả có ý niệm khái quát về loại cổ vật đặc biệt này. 

* Gốm thời Lý (1010-1224)

Cuối thế kỷ X, hai triều đại quân chủ thống trị đầu tiên là Đinh và Tiền Lê nối nhau cầm quyền trị nước được 42 năm (968-1009) chưa thực hiện được những cải cách xã hội quan trọng. Năm 1010, Lý Công Uẩn được quân dân tôn lên ngai vàng thay thế nhà Tiền Lê. Ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Trung tâm Đại La và đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội). Nước Đại Việt bước vào giai đoạn phục hưng toàn diện.

Thời Lý, từ vua quan cho đến dân chúng đều sùng tín đạo Phật, tôn làm quốc giáo. Triều đình đứng ra xây dựng chùa tháp tại kinh đô và khắp các địa phương, quy mô to lớn không kém gì cung điện. Nhằm phục vụ nhu cầu kiến trúc, trang trí, thờ phụng tín ngưỡng, ngành Gốm được thúc đẩy phát triển nhanh chóng. Ngày nay, chúng ta không còn nhìn thấy hai tòa bảo tháp bằng gốm tráng men lưu ly tại quốc tự Diên Hựu (chùa Một Cột – Hà Nội) như sử sách ghi lại. Nhưng các tòa tháp thu nhỏ, các phù điêu trang trí, các loại gạch lát nền… bằng đất nung không phủ men, khai quật được dưới các phế tích thời Lý thể hiện các đề tài Phật giáo.

+ Hình đức Phật tọa thiền

+ Hình rồng ẩn mình trong cánh hoa sen, lá bồ đề hay bay trên mây hoặc đùa giỡn cùng sóng nước.

Theo quan niệm Phật giáo, rồng là một trong 8 bộ chúng  thường ủng hộ Tam bảo. Đề tài rồng được dùng trang trí chùa tháp thờ Phật phổ biến từ xưa đến nay.

Ngoài loại Gốm đất nung, thời Lý còn sản xuất được loại gốm gia dụng cao cấp phủ men ngọc, men ngà, men xanh lục rất đẹp. Hoa Sen là nguồn cảm hứng dạt dào để tạo mẫu. Những loại bát, dĩa có đồ án trang trí hình hoa sen búp, nở bằng cách đúc nổi hoặc khắc chìm trước khi phủ men độc sắc. Cuối thời Lý phát minh thêm màu nâu đậm đà có thể dùng bút lông tô, vẽ thẳng lên cốt Gốm, nhờ đó các đề tài trang trí phong phú bay bướm hơn.

* Gốm thời Trần (1225-1339)

Với mưu lược của Thái sư Trần Thủ Độ, ngai vàng của họ Lý chuyển vào tay họ Trần một cách êm ái, không gây xáo động lớn trong xã hội.

* Đạo Phật vẫn được cả nước tôn sùng. Vua quan và dân cúng kiến tạo chùa tháp khắp nơi. Trên cơ sở truyền thống, nghề Gốm liên tục phát triển. Các đề tài Phật giáo như hình Phật, rồng, hình tháp, hoa sen, hoa cúc, lá bồ đề… vẫn được thể hiện trên các vật phẩm Gốm xây dựng trang trí và thờ cúng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng. Sản phẩm đồ Gốm gia dụng thời Trần không còn kiểu thanh nhã như đời Lý mà tạo dáng vững chắc, giản dị. Đồ Gốm hoa lam dưới men thời Trần là một thành tựu lớn cho căn bản nghề Gốm các đời sau kế thừa và phát triển.

Gốm thời Lê sơ (1428-1526)

Lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống xâm lược Minh thành công, Lê Lợi khai sáng triều Lê. Nhà Lê dựa vào Nho giáo để thiết lập mô hình xã hội quân chủ chuyên chế, nên Phật giáo không được ủng hộ mạnh mẽ như thời Lý – Trần. Nhà nước hạn chế việc xây dựng chùa chiền, tu hành theo đạo Phật. Do đó thời Lê sơ, Phật giáo không có dấu ấn quan trọng trên đồ gốm mỹ thuật lẫn gia dụng.

* Gốm thời Mạc (1527-1593)

Năm 1527, quyền thần Mạc Đăng Dung bức tử Lê Cung Hoàng, bước lên ngai vàng khai sáng triều Mạc.
Để thu phục quần chúng lao động chống lại thành phần Nho sĩ trung thành với nhà Lê, nhà Mạc bải bỏ chính sách hạn chế Phật giáo. Quý tộc và nhân dân tích cực ủng hộ trùng tu, xây dựng chùa chiền. Nghề Gốm gặp cơ hội thuận lợi phát triển nên trở lại tìm nguồn cảm hứng chế tác theo đề tài Phật giáo. Nhiều nghệ nhân Gốm còn lưu danh trên sản phẩm của mình, tiêu biểu là Đặng Mậu Nghiệp, tự Huyền Thông, quê ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Thanh – Hải Dương). Ông học Nho (đỗ tam trường) nhưng cả gia đình quy y Phật, cùng với vợ là Nguyễn Thị Đỉnh hiệu là Từ Am cùng làm hội chủ trùng tu ngôi chùa cổ An Đinh tại quê nhà vào năm 1587. Gia đình họ Đặng thành lập lò gốm chuyên chế tạo đồ thờ như lư hương, bình hoa, chân đèn theo sự đặt hàng của tín đồ dâng cúng vào các chùa chiền. Hình dáng lư hương làm theo kiểu mũ Tỳ Lư, trên hai dải quai lớn ghi rõ họ, tên, quê quán người chế tạo, người đặt hàng, niên đại và nơi tiến cúng; 4 dải nhỏ ghi bài kệ cúng hương:

Định hương
Tuệ hương
Giải thoát hương
Giải thoát tri kiến hương

Đồ án trang trí đắp nổi rồng, chữ Phật, Tam Bảo (三寳), Phước (福), sen dây, cánh hoa sen, lá đề, vạch đứng song song, răng cưa…. . được phân bố trong các ô vuông, tròn, chữ nhật chia đều quanh thân lư.

Minh văn đắp nổi, khắc chìm trên sản phẩm Gốm thời Mạc, ghin lại đầy đủ mọi thành phần xã hội, nam, nữ, tăng, tục phản ánh tinh thần bình đẳng trong chốn thiền môn, khác hẳn với chỗ tế tự của Nho giáo.

* Gốm thời Hậu Lê (1593-1789)

Nhà Lê được hai họ Nguyễn – Trịnh nỗ lực phò tá, năm 1593 đánh bại nhà Mạc trở về Thăng Long. Sau thờ kỳ chiến tranh dữ dội, các trung tâm Gốm nổi tiếng ở Chu Đậu, Thanh Lâm ở gần quê hương của vua Mạc bị tàn phá nặng nề nên tàn lụi dần. Từ thế kỷ XVII đến XVIII nghề Gốm chỉ còn hoạt động ở Bát Tràng, Thổ Hà sản xuất loại gốm thờ cúng theo phong cách mới, các đề tài bắt nguồn từ Phật giáo mất dần thay thế bằng các đề tài cua Nho giáo như Tứ linh, Tam hữu, Tam đa, Lục bảo, … . điển hình trên một chân Gốm này ghi: “Ứng Thiên phủ, Sơn Minh huyện, Đông Lỗ xã, Chuyết Lưu Ba Tiêu thôn, Phước Lâm tự, tiểu tăng Nguyễn Khang Tho, tự Pháp Cao, thê Phạm Thị Tào hiệu Diệu Bình”. Nghĩa: “Thầy tu Nguyễn Khang Thọ tự Pháp Cao cùng vợ Phạm Thị Tào hiệu Diệu Bình, cúng vào chùa Phước Lâm ở thôn Chuyết Lưu xã Đông Lỗ huyện Sơn Minh phủ Ứng Thiên”. Tuy do một nhà sư đặt làm, cúng vào chùa; nhưng nhìn vào hiện vật chúng ta không nhìn thấy các đề tài trang trí Phật giáo nữa. Kiểu cách cây đèn thờ thể hiện tinh thần khô cứng của Nho giáo ở chốn đình trung.

Cuối thế kỷ XVIII nghề Gốm Việt Nam suy thoái dần vì nhiều nguyên nhân nội tại và ngoại lai. Đồ tự khí, trang trí tại chùa chiền dần dần thay thế bằng loại đồ sứ Trung Quốc. Đồ gốm gia dụng không gì đặc sắc, chỉ phục vụ giới bình dân.

* Đồ sứ hoa lam thời các Chúa Nguyễn

Giữa thế kỷ XVI đến gần cuối thế kỷ XVIII các chúa Nguyễn truyền nhau cai trị vùng đất Nam Hà. Dựa theo tinh thần: “Cư trần lạc đạo” thời Lý-Trần, chúa Nguyễn đưa ra chủ trương: “Cư Nho mộ Thích”, để ổn định tâm lý xã hội đẩy mạnh việc phát triển đất nước vào phương Nam. Đạo Phật được triều đình lẫn quần chúng nhân dân tích cực ủng hộ.

Trong vương phủ chúa kiến tạo chùa thờ Phật gọi là: “Giác Vương Nội viện”, thường thỉnh các vị cao tăng vào thuyết pháp để tu tập. Các chùa sắc tứ được xây dựng chư chùa Thiên Mụ, Thiền Lâm (ở Huế), Tam Thai (Quảng Nam), Thập Tháp Di Đà (Quy Nhơn), Kim Cương, Từ Ân (Gia Định)… Nam Hà thời này không có lò gốm chuyên môn có thể chế tác từ khí tốt đẹp như các lò gốm truyền thống ở Bắc Hà (Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà). Do đó, để phục vụ cho nhu cầu thờ cúng, trang trí cung điện, chùa chiền chúa Nguyễn đã gửi kiểu mẫu qua đặt lò gốm tại Giang Tây – Trung Quốc. Chúng tôi đã sưu tầm phát hiện những đồ án trang trí trên đồ sứ liên quan đến Phật giáo như:

Toàn cảnh chùa Vinh Hòa, Thiền Tịnh viện (Thừa Thiên); kèm bài thơ Nôm “Tư Dung thắng cảnh”của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ

Toàn cảnh chùa Thiên Mụ (Huế); kèm bài thơ Hán “Thiên Mụ hiểu chung”của Thiên Túng Đạo nhân Nguyễn Phước Chu.

Toàn cảnh chùa Tam Thai (Non Nước – Quảng Nam); kèm bài thơ Hán “Tam Thai Thính Triều”của Thiên Túng Đạo nhân Nguyễn Phước Chu.

Ba bài thơ này, chúng tôi đã giới thiệu trên Tập văn của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Nay xin giới thiệu hai cổ vật minh họa truyền thuyết liên quan đến hai vị sơ Tổ Thiền Tông và Tịnh Độ tông.

1.Dĩa vẽ tích Tổ Huệ Khả cầu đạo.

Đường kính 17cm, cao 2cm. Dưới đáy ghi: “Tây Viên Hàn Mặc Lâm”theo lối chữ triện. Trong lòng dĩa vẽ phong cảnh Tung Sơn hùng vĩ, cao ngất tầng mây, Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma tọa thiền trong động Thiếu Lâm. Phía dưới, giữa hai vách núi cheo leo có thác nước cuồn cuộn chảy, trên chiếc cầu bắc ngang, Sư Huệ Khả chắp tay cung kính hướng về thạch động.

Theo Phật sử Trung Quốc, Huệ Khả (487-593) họ Cơ có tên là Thần Quang hoặc Tăng Khả. Sinh ở Hổ Lao, Lạc Dương (Hà Nam) thời Bắc Ngụy – Bắc Tề. Trưởng thành ông hâm mộ Phật giáo bèn xuất gia rồi vân du khắp nơi tìm thầy học đạo. Năm 520, Huệ Khả nghe có Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma từ Thiên Trúc sang trú ẩn tại chùa Thiếu Lâm, Tung Sơn, ông bèn lặn lội tìm đến bái yết. Đứng dưới tuyết giá suốt ngày đêm mà không gặp được Tổ sư, Huệ Khả bèn lấy dao chặt đứt cánh tay đề tỏ lòng thành quyết chí cầu đạo. Nhận thấy cơ duyên đầy đủ, Tổ sư bèn khai ngộ, ấn chứng và truyền y bát cho Huệ Khả nối làm Nhị tổ Thiền tông Trung Quốc. Xiển dương thiền lý suốt 34 năm ở đất Nghiệp (Lâm Chương – Hà Bắc), sư Huệ Khả viên tịch được triều đình ban thụy hiệu là Chính Tông Phổ Giác Đại sư. Đến đời Đường được ban hiệu là Đại Tổ Thiền sư.

2. Dĩa vẽ tích Hổ Khê Tam Tiếu.

Đường kính 17cm, cao 2cm hiệu: “Bửu Tàng Kỳ Trân” theo lối chữ triện.

Trong lòng dĩa, phần trên vẽ cảnh núi rừng u tịch, có ngôi chùa ẩn khuất dưới bóng cây nằm ven dòng suối thơ mộng, phía dưới vẽ một nhà sư đang vái chào tiễn đưa hai người bạn đứng đối diện, sau lưng có chiếc cầu bắc ngang dòng nước.

Giai thoại thiền môn truyền lại, một hôm Nho sĩ Đào Tiềm (tức Uyên Minh tự Nguyên Lượng) cùng bạn là đạo sĩ Lục Tu Tĩnh (tự Nguyên Đức) lên Lô Sơn tham kiến Sư Huệ Viễn. Ba đại biêu Nho-Phật-Lão gặp nhau đàm luận tương đắc quên thời gian. Trời chiều, Sư Huệ Viễn tiễn khách xuống núi; vẫn còn mải mê vui chuyện nên ba người vượt khỏi chiếc cầu bắc ngang dòng suối mà không hay. Bỗng nghe tiếng hổ gầm vang rền, sư Huệ Viễn giật mình nhớ lại lời nguyền khi mới đến tu tại Lô Sơn là sẽ không bao giờ vượt chân qua khỏi dòng suối này nữa. Sư bèn thuật lại lời nguyền này cho hai người bạn nghe và họ cùng cười vang. Từ đó dòng suối này được mang tên Hổ Khê và câu cuyện trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ca, hội họa thời cổ ở Trung Quốc và Việt Nam. Chiếc dĩa sau đây minh họa câu chuyện này.

Căn cứ theo Phật sử thì sư Huệ Viễn (334-417) họ Giả gốc ở Lâu Phiền, Nhạn Môn (Ninh Vũ, Sơn Tây) sinh nhằm thời Đông Tấn. Thuở niên thiếu, ông nổi tiếng thông minh lỗi lạc, học suốt lục kinh, thông hiểu tam giáo. Năm 21 tuổi, ông xuất gia theo học với Hòa thượng Đạo An ở Hằng Sơn, Thái Hàng (Dương Khúc, Hà Bắc). Năm Thái Nguyên thứ 11 nhà Đông Tấn, thứ sử Hoàn Y phát tâm xây chùa Đông Lâm ở Lô Sơn rồi thỉnh sư đến trụ trì, lập đạo tràng thuyết pháp độ sinh. Sư sở trường biện luận, viết các bộ sách: Sa-môn bất kinh vương giả luận, Pháp tánh luận, Minh báo ứng luận, Tam thế báo ứng luận… để xiển dương Phật giáo. Đặc biệt, Sư Huệ Viễn kết nạp tăng tục lập thành Liên Xã, cổ xúy việc niệm Phật A-di-đà cầu nguyện vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Sau khi viên tịch, xá lợi của sư được tôn trí trong tháp ở Cương Thạch thất. Đời Tống, Sư được suy tôn làm Sơ Tổ Tịnh độ tông.

Đạo Phật truyền vào Việt Nam đã hơn 2000 năm lịch sử, trong quá trình phát triển thì chỉ có Thiền tông và Tịnh độ tông là có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Danh hiệu, ảnh tượng của Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma và Huệ Viễn vẫn được thờ tự phổ biến tại các chùa chiền. Tuy nhiên, qua mấy trăm năm tang thương biến động mà những món đồ sứ trên đây còn tồn tại thì quả thực hy hữu.

Phải chăng nhân duyên của các Ngài vẫn còn duyên với thế giới Ta bà này?

Trần Đình Sơn

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here