Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đạo Tâm Huế- tấm gương soi của văn học nghệ thuật Huế.

Đạo Tâm Huế- tấm gương soi của văn học nghệ thuật Huế.

97
0

1.     Văn học nghệ thuật thấm sâu trong đời sống con người- con người sáng tạo nghệ thuật lẫn con người hưởng thụ, cảm nhận nghệ thuật- Ngược lại, chính nhất thể của cả người làm nghệ thuật văn học cùng tập thể cảm nhận tác phẩm ấy lại ảnh hưởng, un đúc nên một thứ nghệ thuật, văn học đặc thù và mới khác trong tiến trình biến đổi đối với quá khứ- từ đó có thể nói đến sự phát triển, tiến bộ văn học nghệ thuật. Điều đó hầu như hiển nhiên. Cũng hiển nhiên khi từ tương quan nhất thể xem ra hiển nhiên ấy không còn hiển nhiên nữa, khi văn học nghệ thuật không còn có một tác dụng nào trên nếp sống con người, như một thứ “nói mà chơi” mà chơi không biết chơi cho trọn, khi vô cảm trở nên mẫu mực của cuộc sống. Khủng hoảng văn học nghệ thuật nẩy sinh từ tương quan bị phá vỡ ấy, nẩy sinh từ chính khủng hoảng của khái niệm nhất thể mà tôi muốn triển khai trong bài viết này: khủng hoảng đạo tâm. Trong trường hợp này, tôi gọi đó là đạo tâm thẩm mỹ Huế.

2.     Có thể nói văn học nghệ thuật Huế trong tổng thể NGƯỜI Huế và THẾ GIỚI Huế, cảnh quan Huế, – “qua hết ngọn đèo Hải Vân là hết…Huế”, gió nắng đã khác, như người ta thường nói- đã hàm dưỡng một thứ ĐẠO TÂM tạo nên nét đặc sắc của nền văn học Phú Xuân khác hẳn những nơi khác trên đất nước Việt Nam và trên thế giới. Ngày nay chúng ta có thể kê khai – để tự hào- tất cả những nền văn học nghệ thuật đặc thù của Huế như ca Huế, hò Huế, nhạc cung đình Huế,  thơ ca Huế, kinh kịch Huế, thú tiêu khiển, thưởng ngoạn, ẩm thực Huế, nhưng nếu không nói đến Đạo tâm Huế như là điều kiện sáng tạo và cảm nhận nên nền nghệ thuật ấy, thì hình như chúng ta chưa nói hết, chưa thấm đượm hết văn học nghệ thuật Huế trong phần HỒN của bản chất văn học nghệ thuật này. Đạo tâm Huế lại không phải là một thứ để kê khai như kê khai sở hữu đồ vật mà là một thứ “sống”, “nhập thể”, hành đạo. Nghệ nhân cũng như người thưởng thức, người cảm nhận cùng trên một hành trình – ĐI – trong một tầng rung cảm thẩm mỹ, cảm nghiệm và biểu hiện cái đẹp trong thể cảm thanh cao mà E. Kant gọi là “tính cao quí”, “tính thanh cao”, cao cả, liên hệ đến những gì không thể diễn tả hết được của cuộc sống con người và thế giới chung quanh.

3.     Trên phương diện lý luận về mỹ học, ở tây phương,  gần đây đã nổ ra cuộc thảo luận về lý thuyết mỹ học của triết gia khai sáng Kant, đại diện của tư tưởng khai sáng hiện đại qua sự diễn giải của Lyotard, triết gia của hậu hiện đại về chính khái niệm “cao cả” (das Erhaben). Diễn giải của Lyotard về khái niệm “ cao cả”mà Kant đưa ra trong lãnh vực thẩm mỹ học, cùng với những người theo trường phái hậu hiện đại   (Aesthetik) sau ông xem ra rất gần với “đạo tâm Huế”, về chủ thể càm nghiệm sáng tạo và chủ thể đón nhận, thực hành. Một thời “thanh cao” đã được ngộ nhận như là một thứ gì vĩ đại, tượng đài đồ sộ hay đấng Thượng đế chí tôn. Lyotard quan niện nghệ thuật hậu hiện đại cởi bỏ giáo điều ấy và cổ vũ cho sự tìm kiếm tự do của nghệ thuật, làm thế nào để diễn đạt được “sự im lặng”, cái không dĩen tả được. Bất ngờ không cao sang xa hoa tính thanh cao nằm chính trong cọng bún, con hến, hạt gạo de, trong chính điều kiện thẩm mỹ của mỗi sự vật trong khung trời Huế, rất gần với sự tìm kiếm cái không thể diên tả được trong mỹ học hậu hiện đại. Đạo Tâm Huế đụng chạm đến tầng thanh cao này trong nghĩa cảm nghiệm về cái đẹp, nghiền ngẫm và tôn thờ – nhưng không phải cúng bái- vẻ đẹp từ con người, phần hồn và thể xác đến thế giới chung quanh, cỏ cấy hoa lá, và vượt trên nó, sự bí nhiệm của thiên nhiên và con người. Nghiêm túc, cẩn mật, tôn kính hầu như là sùng bái, một thứ sùng bái vì “quá thương” trong mỗi điều nhỏ nhặt hằng ngày: một tô cơm hến bình dị, những chuỗi bún uốn lượn trên lá chuối xanh, những búp hoa nhỏ bé như hoa lý được gói trong mảnh lá chuối xanh…đã được mỗi bàn tay nâng nó lên thành thẩm mỹ riêng biệt.

4.     Đi đến tận cùng của sự vật và sự việc, dù cho nó có nhỏ bé đến đâu, nâng mỗi “tác phẩm” lên thành thể cách “Đạo của cuộc sống” trong nghĩa đi cho tròn, cho vẹn, cho hoàn hảo cái dẹp, cái tốt đã là lối sống “ĐẠO TÂM” Huế một thời, mà chúng ta hôm nay thừa hưởng. Ai nói chỉ có Nhật Bản mới có “ĐẠO UỐNG TRÀ”? là đã quên sự hành thâm của cung cách Huế. Huế một thời đã tận tình đến nơi đến chốn thể hiện tâm thức của mình khi gảy một cung đàn, khi ca một khúc Nam Ai, khi thưởng thức một chén trà. Trước khi trở nên một thứ chạy hàng trên sông Hương, ca Huế đã trải nghiệm sâu xa “sự rùng mình thánh thiện” nhập thế của tiếng đàn, giọng ca, lời ca và tổng thể thế giới sông nước quanh mình. “Sự rùng mình thánh thiện” theo Kant là bản chất của tính thanh cao trong mỹ học, thể tính của văn học nghệ thuật, nó là tầng rung cảm của đạo tâm, trong nghĩa cái đẹp và đạo lý làm người trở hoà điệu nhất thể. Mỹ quan và tâm cảm trở nên bước đi “đẹp lòng”, với tha nhân và cảnh giới chung quanh. Đạo tâm thẩm mỹ Huế – thật trùng hợp để nói như Kant đã từng nhận xét về kinh nghiệm thẩm mỹ, hàm chứa trong bản chất của nó tính sáng tạo nên một đời sống tự quyết định cho mình, một lối hành đạo, một dáng đi cốt cách Phú Xuân, một Phú Xuân nghèo – trong nghĩa đạo hạnh- ở đây chính là nghèo tham lam, ham muốn ô trọc, từ chối cái phản mỹ – nhưng lại giàu sáng tạo thẩm mỹ, đầy yêu thương nét đẹp trong đời người. Đạo tâm Huế chính là điều kiện của mỹ học Phú Xuân.

5.     Bao lâu một nền văn học nghệ thuật không làm rung động được tâm người, tự mình giản lược vào các màn diễn năn nỉ khán giả, chúng ta có thể nhận ra tính trầm trọng của khủng hoảng văn học nghệ thuật. Khủng hoảng của nó nằm trong sự nhìn ngắm xơ cứng, hoài niệm về một đạo tâm  Phú Xuân như một thứ đồ cổ. trong dòng chảy của văn hoá, đạo tâm Huế vất vưởng trong dòng vô cảm của văn họcc nghệ thuật chỉ nhằm phục vụ một mảnh bên ngoài, tầng trên hay tầng nỗi theo trào lưu quàng cáo, phục vụ thị trường mà đánh mất chính bản thể của một đạo tâm sống động. Hình như sự rạn nứt giữa người làm nghê thuật, văn hoá với người thưởng ngoạn văn hoá đang trở nên thiểu số, đang báo động về sự khủng hoảng này. Tôi xin đưa ra một ẩn dụ, bao lâu dòng sông Hương và những con sông nhánh của nó đang bị đe doạ nghẽn lòng vì rác rưởi, vì vô cảm dửng dưng, bao lâu những con đường phượng vĩ một thời đang bị cảnh giao thông hỗn loạn do người đi với cái tâm thô bạo, bao lâu bạo lực trên đường phố, bao lâu con người thiếu sự tôn kính với nhau trong cuộc sống hàng ngày, nghệ thuật văn học Huế đang có lỗi với di sản quá khứ và hạnh phúc con người Phú Xuân một thời đầy nét đẹp thanh cao và đạo hạnh, mảnh kính đạo tâm phải tan vỡ.

6.     Đây chỉ là một ẩn dụ, phản biện sẽ là câu hỏi nghệ thuật văn học có mục đích gì, vị nhân sinh hay vị nghệ thuật, một câu hỏi cổ điển về vai trò của văn học nghệ thuật nói chung. Xem ra như thừa. Lý giải về đạo tâm sẽ đưa ra một chiều hướng toàn diện hơn, vì nó bao trùm cả những vấn đề hiện đại và hậu hiện đại, và hơn thế nữa trên chiều kích của cuộc sống hội nhập toàn cầu.

 T.K.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here