Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Chùa Từ Hiếu

Chùa Từ Hiếu

153
0

Chùa Từ Hiếu nằm giữa một rừng thông rộng lớn bao la xanh tươi bát ngát thuộc vùng núi Dương Xuân, xã Thuỷ Xuân thành phố Huế. Chùa thành lập năm 1842, ban đầu là một thảo am có tên là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định huý Tánh Thiên (1784-1847) thuộc dòng Lâm Tế  đời thứ 39 sáng lập nên. Ngài người họ Nguyễn, làng Trung Kiên cách cựu dinh Ái Tử nổi danh câu hò nặng tình mẫu tử “mẹ thương con ra ngồi cấu Ái Tử” chừng 3km thuộc tổng Bích La huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Ngài nguyên là Tăng Cang chùa Giác Hoàng trong cung vua, sau cáo lão về rừng dựng am nuôi dưỡng mẹ già 80 tuổi và tu hành thanh tịnh. Cuộc đời tu hành phạm hạnh của Ngài gắn liền với sự ra đời cái tên chùa Từ Hiếu.

Bắt đầu từ một câu chuyện chấn động “thiên triều” dưới thời vua Tự Đức (1848-1883)-một ông vua nổi danh hiếu thuận với phụ vương Thiệu Trị (1841-1847) và hoàng hậu Từ Dũ. Câu chuyện thiền môn xứ Thuận Hoá xưa kể rằng Tổ sư Nhất Định từ ngày về rừng lập am An Dưỡng tu hành có đem theo mẹ già để chăm lo nuôi dưỡng. Mẹ ngài do tuổi cao sức yếu lại còn thường xuyên ốm nặng, các thầy thuốc đến khám đều khuyên Tổ sư nên bồi dưỡng mẹ bằng cá thịt thì bà mới có cơ may phục hồi thể trạng. Vì vậy, hàng ngày Tổ sư Nhất Định chống thiền trượng xuống chợ Bến Ngự mua cá tươi về nấu cháo nuôi mẹ. Người đời thấy vậy đã có nhiều lời đàm tiếu, họ bàn tán với nhau rằng Hoà Thượng “ăn mặn” (thịt cá) bất tịnh, nhưng Tổ cứ mặc nhiên.

Có lẽ, trong dòng máu tâm linh của Ngài đã thấm sâu câu hò xứ sở tình mẫu tử thiêng liên; thêm vào đó là tâm thức Tổ đã được tu tập với muôn vàng pháp môn của nhà Phật: trong đó có Đạo Hiếu: “phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” vì vậy mà Ngài đã luôn tâm niệm miễn sao tự mình giữ được Phật tính thanh tịnh trong mình, ăn uống chẳng qua là phương tiện, huống nữa đây là một công việc báo hiếu mẹ già tuổi cao sức yếu. Câu chuyện đồn động đến thiên triều vua Tự Đức, nhà vua bèn sai binh lính ngày đêm túc trực canh gác xung quanh vườn chùa xem sự việc thực hư thế nào. Quả nhiên binh lính tận mắt chứng kiến Thiền sư xách đãy cá vào chùa, họ theo dõi, mới hay, Thiền sư nấu cá cho mẹ, còn mình thì tự ra vườn lặt lấy những cộng rau khoai lang vàng úa đem vào luộc ăn. Vua Tự Đức nghe thế rất chạnh lòng thương cảm đức hiếu thảo của  sư trong am tranh tận chốn thâm sơn cùng cốc.

Mãi đến khi Tổ sư viên tịch (1847), môn đệ và thiện tín cùng hoàng tộc, quan tướng quý phái các giám quan, cung giám … trong triều đình nhờ vào đức hiếu thảo của Tổ sư mà được hoá duyên, họ xem việc thờ cúng Tổ sư như là những người con báo hiếu với người Cha tinh thần mà bèn cùng nhau chung sức quyên góp tiền của, làm mới ngôi chùa với nhiều công  trình to lớn trang nghiêm. Sau khi xây dựng xong, tâu lên vua Tự Đức, vua liền nhớ chuyện xưa sắc từ cho chùa danh hiệu “Từ Hiếu Tự” lại cấp thêm 700 quan tiền để tỏ lòng khuyến khích. Nhân đó, các thái giám Dương Oai, Đặng Tín, Đỗ Thi bèn cùng nhau cậy nhờ Hiệp Biện Đại học sĩ Nguyễn Đăng Giai (người đã thọ tại gia bồ tát giới với Tổ) soạn lời vàng thống thiết tạc vào bia đá để lưu lại cho hậu thế noi gương, văn bia khắc vào ngày tốt tháng đầu mùa hè năm Tự Đức thứ 2 (1849).

Ngày nay, kẻ hậu thế noi gương đức hiếu, mày mò từng câu chữ trên bia đá lời vàng, chợt bàng hoàng với ý nghĩa sâu xa của hai chữ Từ Hiếu: “Ôi, Từ là đức lớn của Phật, không Từ thì lấy gì mà độ tứ chúng và cứu muôn loài?Hiếu là hạnh lớn của Phật, không Hiếu thì lấy gì mà chở che đất trời, thấu suốt được cõi u minh? (…) Từ để dạy thiên hạ cái đạo làm cha, Hiếu để dạy thiên hạ cái đạo làm con. Từ Hiếu là vậy đó, hai đức hạnh ấy không riêng gì đạo Nho mà đạo Thích cũng muốn đạt tới, không riêng gì chùa nầy lấy Từ Hiếu làm tên mà mọi ngôi chùa trong thiên hạ đều có thể lấy làm tên được cả. Không riêng gì đạo Thích lấy chữ Hiếu làm khuôn phép tu hành hoằng dương cháng pháp mà trong thiên hạ đạo Nho cũng có thể lấy đó làm gương soi cho mọi người…Huống chi chùa nầy thiền tăng Nhất Định đã từng lấy Từ để giáo hoá chúng sanh, khiến phần lớn trong giới đàn việt có thể bước lên cửa không của Phật mà chứng ngộ được tánh tì lô thì chẳng phải do chữ Từ hay sao? Các ông cung giám thường lấy Hiếu để thờ phụng bậc sư trưởng, làm được công đức trang nghiêm nầy lại có thể nương vào hương hoả của tiền nhan để làm bến bờ cho mai hậu, ấy chẳng phải do chữ Hiếu hay sao?".

Lời bia càng đọc càng thấy thâm thuý cái ý nghĩa lớn lao, cao xa, đúng đắn, sâu sắc của hai chữ Từ Hiếu. Thì ra, những mãnh đời bất hạnh không được làm cha làm mẹ như các giám quan, cung giám trong triều đã cùng nhau tìm ra lối thoát tâm linh, gây dựng ngôi Tam Bảo để có nơi nương tựa tinh thần, đồng thời chuyện hậu sự cũng đã có đàn na tín thí ghi ân mà hương khói cho họ đấy cũng là một việc hiếu vậy.

Qua câu chuện báo hiếu của Tổ sư Nhất Định và lời văn bia sâu sắc của hai chữ Từ Hiếu cũng như quan niệm đúng đắn về chữ Hiếu của các giám quan mới thấy được cái dụng công dụng ý của tiền nhơn. Bia viết tiếp: Tuy sáu năm thành đạo, ngài Nhất Định chưa dám sánh với Đại Hùng Sư; mười khoảnh trải vàng, kẻ đàn na chưa dám nghĩ là Cấp Cô Độc nhưng rạng rỡ một nhà Từ Hiếu, lẫy lừng muôn thủa tôn phong.

Như vậy, từ khi khai sơn, dựng chùa cho đến trùng tu cửa Phật là nhằm để lưu truyền phước đức cho con cháu đời sau và cũng để hoằng dương đạo pháp, ngoài ý nghĩa ấy, điều đặt biệt đối với chùa Từ Hiếu nữa là nơi gửi gắm tâm linh cho những con người goá bụa cô đơn cô quả. Cho nên, chùa Từ Hiếu, ngày nay và ý nghĩa hai chữ Từ Hiếu mà vua Tự Đức ban cho ngoài ý nghĩa là nơi thờ Phật phụng Tăng, một danh lam thắng cảnh của đất Thần Kinh còn là một chứng tích của lòng Từ và đạo Hiếu của nhà Phật giúp chúng ta luôn suy nghĩ về những con người ở đời mà bất hạnh thiếu đi hai tiếng mẹ cha, và càng bất hạnh hơn cho những ai có được cái vinh hạnh ấy, có cha có mẹ mà không biết phụng dưỡng báo đáp thâm ân sinh thành dưỡng dục.

Chuyện Hiếu Đạo của Tổ sư Nhất Định đã mãi lan truyền trong chốn thiền môn xứ Huế từ xưa cho đến nay và đã thấm sâu vào trong đời sống văn hoá của người dân xứ Huế. Người viết thiết tưởng nhắc lại chuyện cũ người xưa là để khuyên răn người đời cần hiểu đúng đắn và luôn tôn trọng, giữ gìn gia sản văn hoá của tiền nhân thì xã hội sẽ bớt đi nhiều đau khổ! 

T.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here