Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ảnh hưởng Phật giáo trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát

Ảnh hưởng Phật giáo trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát

114
0

Sách “Lịchsử Phật giáo Việt Nam” (nhiều tác giả, NXB. KHXH, H, 1988), chương XIV, “ Mấy nét về Phật giáo trong các nhà thơ lớn dưới triều Nguyễn”, người viết là ông Nguyễn Tài Thư đã dẫn ra một bài thơ chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt của Cao Bá Quát (1809-1855) thuộc loại trào lộng liên quan tới của Thiền, kèm theo là một số nhận xét của người viết đậm đặc tính chất khuyếch đại và chủ quan hết mực, nào là “Đôi lúc Cao Bá Quát nhìn Phật giáo bằng con mắt vô thần và thực tế. Ông thấy trong nghi lễ Phật giáo có điều phi lý khó tin, cần nói ra…” nào là “ Ông đã hoài nghi khả năng Phật độ và một dấu hỏi lớn cho thái độ tín ngưỡng…” (Sđd tr. 378).

Cũng may là có nhà nghiên cứu đã kịp thời chỉ ra bằng bài thơ ấy là của Sái Thuận, nhà thơ Việt Nam thế kỷ mười lăm, một thành viên của Tao Đàn Nhị Thập bát Tú do vua Lê Thánh Tông (1442-1497) sáng lập. Như vậy là cũng đã kịp thời minh oan cho Cao Bá Quát. Nói cách khác, Cao Bá Quát là một nhà thơ có cảm tình sâu đậm với đạo Phật và qua thi ca chữ Hán của ông, chúng ta có thể ghi nhận cái ảnh hưởng đậm đà ấy ở các mảng sau đây.

I. CẢNH CHÙA QUEN THUỘC

Cũng giống với nhiều nhà thơ ở các thế kỷ trước, tâm hồn khoáng đạt của Cao Bá Quát luôn xúc động trước những cảnh đẹp của đất nước, trong đó thắng cảnh hầu như gắn liền với danh lam.

Đây là cảnh chùa núi Dục Thúy mà ông đã ghi nhận với niềm tự hào:

“Thiên địa hữu tư sơn
Vạn cổ hữu tư tự
Phong cảnh dĩ kỳ tuyệt
Nhi ngã diệc lai khứ.
Ngã dục đăng cao sầm
Hạo ca ký vân thủy
Hựu ước nãi vi tư
Phàm sự đại đô nhĩ.”

(Trời đất có núi ấy
Muôn thuở có chùa này
Phong cảnh đã kỳ tuyệt
Lại thêm ta đến đây.
Ta muốn lên đỉnh núi
Hát vang gởi nước mây
Ao ước mà không được
Việc đời thường như vầy).

(Ngô Lập Chi dịch, thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn học, H, 1976, tr 56-57).

Nơi một số cảnh trí khác, sự ghi nhận của Cao bá Quát chỉ có tính cách bình thường:

“Dạ dạ xao tàn bích đỗng chung…”
(Động biếc chuông đêm vẫn đổ hồi…)

(Bài Hòn Vọng Phu, sđd, tr. 193-194).

Hoặc các bài: “Chơi sông Đằng Giang, cùng bạn lên chùa Kim Chung, sau khi lưu đề một bài thơ…” (Sđd,tr. 222-224), bài “Cùng các bạn lên gác chuông chùa Trấn Vũ” (Sđd, tr. 240-241). Nhưng với cuộc đi dạo “Chơi chùa núi Nam Tào, đứng trên lầu trông xa…” thì ông đã cảm nhận khía cạnh thoát tục của khung cảnh:

“Như thử giang sơn nại ngã hà?
Thế ngoại du tri kim nhật hảo…”
(Non sông như thế, còn mình thì sao đây?
Cuộc đi chơi ngoài cõi tục, nay biết là sung sướng…)

(Sđd, tr.227-228).

Tiến thêm một bước nữa, nhà thơ đã nhận ra tính chất tĩnh lặng, thanh thoát của cảnh Thiền:

“Tiêu vũ sạ qua hồng ngẫu phố
Hàn chung hốt khởi tịch dương lầu
Giải y vô ngữ thành chiêm chúc
Tọa sí Thiền môn sự sự u.”

(Mưa phất vũng sen bông đỏ thắm
Chuông rền bóng xế tiếng buông rơi
Trầm ngâm, phanh áo nhìn xa thẳm
Những mến rừng Thiền thú thảnh thơi).
(Bài “Buổi chiều đi chơi Sài Sơn…” bài 1, Tảo Trang dịch, sđd, tr.230).

Ở bài thứ nhì của “Buổi chiều đi chơi Sài Sơn…” ấy, Cao Bá Quát đã nhắc lại sự tích của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đời Lý, người đã có nhiều gắn bó với cái quần thể danh lam thắng tích tuyệt vời này:

“Hoa đăng cộng thám Từ Công tích
Môn tiến tần khan Cảnh Thống bi…”
( Tấm bia Cảnh Thống chùi rêu đọc
Dấu Gót Từ công gọi đuốc soi…)

( Tảo Trang dịch, sđd, tr.231-232)

Một vài trường hợp, Cao Bá Quát còn làm bạn với những nhà Sư thích văn chương:

“Do hạnh tương phùng hữu tương thức
Đào Thiền nhân thị lão tao ông”.
(May còn gặp gỡ người quen biết
Sư cụ đây là một tướng thơ).
(Bài “Qua chùa Thiên Quang, Vũ Mộng Hùng dịch, sđd, tr.249-250).

Với bài “Du Tiên Lữ động…” người đọc như gặp lại cái tâm trạng của tác giả đã từng bày tỏ trước cảnh đẹp núi Dục Thúy:

“Bất tri cổ hà nhân?
Tư yên tịch Thiền quan
Chỉ kim nham cốc trung
Kim bích nhất cải quan…”
(Cửa Thiền sừng sững đây kia
Ấy ai từ trước Bồ-đề phát tâm?
Mà nay trong động u thâm
Vàng cài, biếc giắt, mười phân ưa nhìn…”
(Hoa Bằng dịch, sđdtr. 251-253).

Như thế thì cũng chẳng có gì là lạ khi Cao Bá Quát, từ những tiếp xúc với các danh lam thắng tích có liên quan tới Phật giáo, đã bày tỏ ít nhiều cảm nghĩ về đạo Phật:

Bút tích của Cao Bá Quát

“Phiêu nhiên phi phát đăng sơn quynh
Sơn quynh thượng hữu Phạm vương đài
Cổ tích thương thương ế lục đài
Kiến thiết Trần công cựu du thưởng…
Thiên cổ cao danh phó tình hiệu
Duy hữu Trần triều Thiền giả bất hoại thân
Y y tuệ nhãn chiếu kim nhân
Lãng truyền thế đế giai hỏa trạch
Cánh hữu hà nhân thám pháp luân?…”
(Thoắt lại xõa tóc bước lên cửa chùa trên núi
Trong chùa có đài Phạm Vương
Dấu cổ lờ mờ, rêu phủ xanh biếc
Nghe nói đây là nơi du ngoạn của Trần Công xưa…
Danh cao tự nghìn xưa phó mặc cho vòm trời xanh ngắt.
Chỉ có tấm thân bất hoại của vị sư đời Trần
Đôi tuệ nhãn vẫn sáng ngời nhìn người nhân thế
Cứ đồn phiếm rằng Phật bảo cõi đời là cái nhà lửa
Thì còn ai tìm hiểu đến pháp luân làm gì…)

(Bài Côn Sơn hành, sđd, tr. 256-257).

II. CẢM NHẬN LẼ VÔ THƯỜNG

Giống với Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Du (1765-1820), hơn nữa, cuộc đời của Cao Bá Quát không chỉ là từng trải mà còn nếm mùi tù ngục, nên với một tâm hồn nhạy cảm, ông đã thấu đạt về lẻ vô thường của sự vật;

“Thế sự kỷ hà kim bất cổ
Nhãn tiền mạc nhận thuyễn vi châu
Kỷ đa danh lợi chung triệu vũ
Vô số anh hùng nhất tụ trần…”
(Nay hóa thành xưa đã mấy chốc
Hư nhìn ra thực khỏi lầm chưa
Bao phường danh lợi cơn mưa sáng
Mấy bậc anh hùng đám bụi mờ…)

(Bài Đêm xuân đọc sách, Nguyễn Văn Tú dịch, sđd, tr. 217).

Nơi bài “Chơi Sông Đằng Giang” ông viết hai câu kết như một nhận xét khái quát:

“Ngâm bãi thất ca cánh hồi thủ
Mang mang thân thế độc du hành”.
(Ca đoạn bảy bài nhìn trở lại
Cau mày thêm giận kiếp phù sinh).
(Tuấn Sinh dịch, sđd, tr.223-224).

Còn trong bài “Buổi chiều đi chơi Sài Sơn” bài ba thì cái nhìn của ông về ngoại cảnh đã mang đậm tính chất thiền quán:

“Thục nhãn khan nhân ngộ lục như.”
(Mắt thành thạo nhìn người, hiểu rõ sáu lẽ hư ảo trên đời).

Do vậy, một lần đối diện với cảnh vật vốn là cung điện cũ của triều Lê, nhà thơ không chỉ thức tỉnh đối với ngoại cảnh mà còn thức tỉnh về chính bản thân mình nữa:

“Bách niên vãng sự bi tà chiếu
Nhất điểm trần tâm đối vãn chung”
(Việc cũ trăm năm thương bóng xế
Lòng trần một điểm thảng chuông đưa).

(Bài Qua chùa Thiên Quang, Vũ Mộng Hùng dịch, sđd, tr. 249-250).

Và như vậy là sự thức tỉnh về lẻ vô thường đã trở thành một nỗi thao thức trong thơ của Cao Bá Quát:

“Bách chiến giang sơn thăng ngư đỉnh
Vạn cổ anh hùng nhất tụ trần”.
(Trên khoảng non sông từng qua trăm trận đánh, nay chỉ thấy một chiếc thuyền câu,
Bao khách anh hùng muôn thuở, nay chỉ là đám bụi).

(Bài Côn Sơn hành, sđd, tr.256)

hoặc:

“Nhân gian vạn sự liêu nhĩ nhĩ
Hoan hoa miết nhãn chân khinh yên”.
(Muôn việc trên đời đều thế cả
Cuộc vui như khói phút tan liền).

(Bài “Ông Di Xuân…,sđd, tr. 293-294).

III. NHỮNG KIẾN THỨC VỀ PHẬT HỌC

Ở phần trên, trong quá trình nhận thức về tính chất vô thường của vạn vật, chúng ta nhận thấy Cao Bá Quát đã thể hiện một số hiểu biết của mình về Phật học. Ngoài ra rãi rát đây đó, ông còn sử dụng một vài thuật ngữ Phật học như: chư thiên.

“Tiếu vấn chư Thiên cách kỷ trùng”.
(Vòm trời cười hỏi mấy xa vời).

(Bài “Buổi chiều đi chơi Sài Sơn, bài 4, Tảo Trang dịch, sđd, tr. 234-235).

Hoặc:

Ma ni, Đại thiên.
“Thí bả Ma-ni chiếu Đại thiên…”

(Thử đem viên ngọc Ma-ni soi khắp Đại thiên thế giới…)
(Bài “Đêm hai mươi ba, bài 2, sđd, tr. 202-203).

Và đây là một đoạn thơ thể hiện sự hiểu biết mang tính chất dung hợp Phật-Lão-Trang của ông:

“Tự ngã pháp nhãn quan
Lục tặc dĩ nhược không
Hỏa khanh tước huyễn tước
Luân đạn dữ hóa đồng…”
(Nếu lấy pháp nhãn của ta mà nhìn
Thì sáu khiếu chẳng qua là không cả
Một khi hố lửa đã bén đến cái sắc tướng hão huyền,
Thì có làm bán xe hay viên đạn cũng chỉ là cùng về với cõi hóa…)

(Bài “Ngày hai mươi mốt tháng giêng…”,sđd, tr. 106-107).

Những từ pháp nhãn, lục khiếu (lục căn), không, hồ lửa, sắc tướng, huyễn, là của Phật. Hình ảnh hàm chứa trong câu sau cùng: “Thì có làm bánh xe hay viên đạn cũng chỉ là cùng về với cói hóa” là tư tưởng Trang Tử, xem việc sống, chết của người đời chẳng qua là sự chuyển hóa tự nhiên, có gì mà phải bận tâm.

Đáng chú ý nhất là trong bài “Bệnh trung” (Trong lúc ốm), Cao Bá Quát đã nhắc đến “bệnh của Duy-ma-cật”,, chứng tỏ ông đã có những tìm hiểu đáng kể về Phật học.

“Át đồng bất thức Duy-ma bệnh
Sát vấn yêu vi sấu tổn vô?”
(Chú bé con không hiểu cái bệnh Duy-ma của ta
Cứ hỏi luôn rằng: Vành đai lưng có gầy đi phần nào không?)

Nhìn chung, Cao Bá Quát chưa có những tâm đắc sâu sắc về Thiền học như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, hoặc có một cái nhìn quán xuyến về Phật giáo mang tính dung hợp cao như Nguyễn Công Trứ (1778-1855), nhưng rõ ràng là dấu ấn Phật giáo đã in khá đậm trong thi ca của ông, chứng tỏ đạo Phật đã tác động đến hầu hết các tác gia lớn của văn học cổ điển Việt Nam vậy.

T.N.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here