Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ai là Phật tử ?

Ai là Phật tử ?

172
0

Câu hỏi: “Ai là Phật tử?” khiến tôi liên tưởng câu hỏi: “Thế nào là người Thiên Chúa giáo?” do tờ báo Le Monde des religions, tháng 1-2 năm 2007 đặt ra trong một cuộc thăm dò về tôn giáo tại Pháp . Không dễ trả lời câu hỏi, vì tình trạng mập mờ của việc theo Thiên Chúa giáo. Ngoại trừ những người ngoan đạo, có làm lễ rửa tội, ít nhất hàng tuần đi lễ nhà thờ, có thuộc kinh,… những người khác không biết có nên cho vào tập hợp con Chúa hay không, vì gia đình thì có truyền thống theo nhưng những người này không mấy khi đi nhà thờ, kinh thì không thuộc, con cái thì không rửa tội, không tuyệt đối tin Thượng Đế,… Cuối cùng, tờ báo xác định tính chất đặc trưng duy nhất để xếp một người theo Thiên Chúa giáo là “người đó cho rằng mình là người theo Thiên Chúa giáo”.

Phật giáo hoàn toàn khác với Thiên Chúa giáo, nhưng có điểm này có thể đối chiếu với nhau: Mỗi tôn giáo là tôn giáo đa số ở mỗi nước (Phật giáo ở Việt Nam, Thiên Chúa giáo ở Pháp), lại là tôn giáo truyền thống, gắn bó với dân tộc qua lịch sử lâu đời. Tính chất này là thế mạnh gắn kết cá nhân với cộng đồng dân tộc, nhưng đồng thời về lâu dài tính thuần thành bị loãng đi. Ở Pháp, cũng như nhiều quốc gia phát triển ở phương Tây khác, khoa học tiến bộ đặt lại vấn đề niềm tin thần quyền, tự do cá nhân phát triển, lại có nhiều trào lưu tư tưởng khác, nên niềm tin và tập quán tôn giáo bị lơ là. Việt Nam thì không có vấn đề niềm tin như thế, nhưng tính cách lơ lửng của việc theo Phật là khá phổ biến.

Phật giáo tuyệt đối tôn trọng tự do của mỗi người. Dầu cho bạn đã nương tựa Tam Bảo, chính bạn phải “tự thắp đuốc mà đi”. Cùng là Phật tử, nhiều người đi theo cách khác nhau, nhiều người tu tập tích cực, nhiều người bằng lòng trong nếp sống tâm linh truyền thống của gia đình, có người gọi là theo Phật, nhưng cũng nghĩ đến Thượng Đế quyền năng, có người gọi là theo Phật, nhưng vẫn cho rằng đạo nào cũng như nhau, cũng dạy làm lành tránh dữ. Vì tính chất tự do này mà khó nói tính chất đặc trưng của “Phật tử” để giải đáp câu hỏi “Ai là Phật tử?”. Vậy thì, là Phật tử thì có gì khác không là Phật tử?

Là Phật tử, bạn phải biết giáo lý Đức Phật và các vị Bồ Tát, bạn có biết kinh, dù nhiều hay ít. Bạn cần biết lễ nghi Phật giáo. Tuy nhiên, giáo lý thì mênh mông, tam tạng kinh điển thì đồ sộ, các bậc chân tu học cả đời không hết, vậy Phật tử học bao nhiêu, học những thứ gì thì … đạt trình độ? Thật khó trả lời câu hỏi đó. Thôi thì thử lấy điển hình một Phật tử có học vấn, hoàn cảnh gia đình bình thường, sống lương thiện trong xã hội, người ấy hiểu giáo lý và tu đến mức tối thiểu nào thì xứng là Phật tử?

Trước tiên, bạn phải tin Đức Phật là Đấng Giác Ngộ, nguyện theo con đường của Ngài. Tin và hiểu con đường đi theo Phật của mình đem đến an lạc và giải thoát, như lời Đức Phật dạy: “Hiểu ta rồi hãy tin ta. Nếu tin ta mà chẳng hiểu ta, ấy là phỉ báng ta vậy”. Nếu lòng tin của bạn mập mờ, nếu bạn còn bị những tư tưởng thần quyền chi phối con tim và khối óc của bạn, thì bạn sẽ bị “trơ” trước giáo pháp giải thoát của Phật. Bạn sẽ giống như cái vá (môi) tiếp xúc với thức ăn mà chẳng biết hương vị, trong khi người có lòng tin chánh pháp giống như cái lưỡi, dù chỉ một giây tiếp xúc với thức ăn vẫn thưởng thức cái ngon .

Tin và hiểu, cái nào có trước, cái nào có sau? Tin rồi mới thích tìm hiểu, hay hiểu rồi từ đó mới tin? Thật ra, một người đến với đạo Phật đều có một hoàn cảnh, một cơ duyên: hoặc thừa hưởng nếp sống đạo Phật truyền thống của gia đình, hoặc do kinh nghiệm tâm linh trong cuộc sống có nhiều ngang trái, hoặc do gần gũi với không khí chùa hay người có đạo tâm, hoặc hứng thú khi bắt đầu đọc sách Phật,… Từ đó, con người có cảm tình với Phật giáo, hay sâu sắc hơn, có niềm tin nơi Phật giáo. Nhưng đó chỉ là bước đầu, một chất xúc tác. Niềm tin chỉ có ý nghĩa khi kết hợp học hỏi với thực hành giáo lý, vì vậy rất cần yếu tố bên ngoài: có thầy hướng dẫn, có bạn đồng học, có môi trường đạo hạnh, tiếp tục nghiên cứu sách Phật,…

 Muốn là một Phật tử theo đúng danh nghĩa, thì người đó phải quy y Tam Bảo. Phật tử là người tu theo con đường giải thoát của Đức Phật, dầu căn cơ nào đi nữa, dầu điều kiện nào đi nữa, thì phải tự nguyện tìm về nương tựa nơi Tam Bảo. Sau lễ quy y, thầy bổn sư đặt cho bạn một pháp danh; khi đó bạn chính thức là Phật tử. Tuy nhiên, đó chỉ là mức khởi đầu, và nếu ước nguyện chưa đủ chín muồi thì đó là hình thức, dầu là thiêng liêng.

Đạo sư Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche, người có trọng trách giáo dục cho 1.600 tăng ni sinh trong 6 tu viện và học viện tại Châu Á, trong bài: “What makes you a Buddhist?” (Điều gì làm cho bạn trở thành một Phật tử?) trong tạp chí Phật giáo Shambhala Sun, tháng 1/2007, lại cho rằng: Một người là Phật tử nếu người đó chấp nhận bốn chân lý sau đây:

– All compound things are impermanent (Mọi sự vật phức hợp đều vô thường)
–  All emotions are pain (Mọi cảm xúc đều khổ đau)
– All things have no inherent existence (Mọi sự vật đều không có hiện hữu tự tính)
–  Nirvana is beyond concepts (Niết Bàn ở bên kia mọi khái niệm)

Một Phật tử bình thường, mới ở ngưỡng cửa đạo, khó tiếp nhận ngay từ đầu những chân lý ấy, tuy rằng đó là căn bản của người tu Phật. Ở đây, người viết muốn lưu ý người đọc là đạo sư Dzongsar Rinpoche muốn nói đến Phật tử ở Mỹ, nơi không có truyền thống đạo Phật dân tộc và gia đình như ở Việt Nam, và người Mỹ cũng như phương Tây đến với đạo Phật bằng kinh nghiệm tâm linh, tự nguyện nghiên cứu kinh điển và học hỏi các vị cao tăng; vì thế, họ tiếp nhận đầu tiên những chân lý đó thì không có gì lạ.

Người Phật tử tất nhiên phải giữ giới. Đức Phật, trước khi nhập Niết Bàn đã dạy chư Tăng Ni lấy giới luật làm thầy. Đối với Phật tử, giới phải đi vào cuộc sống. Trước hết, bạn phải biết năm giới, và phải tu theo năm giới đó: không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không uống rượu và dùng các chất kích thích; không nói dối, không bịa đặt, nói hai lưỡi, nói ác ý. Bạn là một người sống bình thường trong xã hội, có nghề nghiệp, có gia đình, có ham thích cá nhân, bạn giữ được năm giới là quá phúc đức. Thật ra, giữ cho được hoàn toàn năm giới không phải là dễ. Một cái giới rất dễ phạm là do… cái miệng: Miệng ăn thì chưa ăn chay hoàn toàn (bạn không sát sinh, nhưng ăn thịt thì cũng gián tiếp tạo ra sát sinh), miệng nói thì có thể thiếu tự chủ vì nóng giận hoặc vì đặt nặng cái ta. Giữ giới là chuyện thường xuyên và càng ngày bạn sẽ cảm thấy tự nhiên và thoải mái.

Tu học là do mình lựa chọn con đường giác ngộ, làm cho cuộc sống có ý nghĩa, an lạc, giải thoát. Đi trên con đường đó thì không có điểm dừng, nếu dừng lại hoặc rẻ ngang thì tự mình đánh mất con người Phật tử. Có pháp danh là quan trọng, biết giáo lý là quan trọng nhưng thực hành giáo lý đó trong cuộc sống mới là quan trọng hơn. Tu tập là quá trình thanh lọc tâm và hành động theo lý tưởng của đạo Phật: vô ngã vị tha, từ bi trí tuệ. Tu tập là chuyện hàng ngày, vì vậy khái niệm: “là Phật tử” đồng nhất với “đang là Phật tử”, và có thể có điều kiện cần cho một người trở thành Phật tử mà chẳng có điều kiện đủ. Vì vậy, bất cứ ai có niềm tin Phật và theo Phật thì họ đang là Phật tử. Họ tự biết phải tu học và sống như thế nào cho đúng người Phật tử, phù hợp với căn cơ và điều kiện của mình.

Tính cách Phật tử thể hiện rõ trong đời sống bình thường, điều này là trả lời gián tiếp cho câu hỏi: “Ai là Phật tử?”. Rất dễ nhận biết một người Phật tử chân chính trong xã hội: sống từ ái, chân thật, không đua chen danh lợi, không xu nịnh bè phái, có nếp sống giản dị, hài hòa lợi ích chung và lợi ích riêng; cũng như rất dễ nhận biết một người như thế nào thì không thể là người Phật tử: lợi ích cá nhân, cục bộ, nịnh trên nạt dưới, thủ đoạn dối trá, ăn nói chua cay, ngụy biện tráo trở …

 Khi bạn đã quy y Tam Bảo, bạn dễ gần gũi với môi trường đạo hạnh, bạn sẽ cảm nhận nếp sống an lạc và từ bi không chỉ ở các bậc tăng ni chúng, mà còn ở những bác, những anh chị làm công quả cho chùa (không phải chỉ ở các chùa Việt Nam đâu, bên Mỹ cũng thế, nhiều thanh niên nam nữ làm công quả, rất dễ thương!), những anh chị giáo viên dạy các lớp học tình thương, nhưng vị y bác sĩ và nhân viên làm từ thiện tại các Tuệ Tĩnh Đường, …, dần dần bạn sẽ nhận ra rất nhiều Phật tử sống cuộc đời an nhiên, tự tại giữa xã hội, có thể họ là những người trí thức, là người lao động vất vả, là người lớn tuổi đã cống hiến sức mình cho xã hội, có thể họ là người có điều kiện sinh hoạt ở chùa, thanh thiếu niên trong Gia đình Phật tử, có thể họ là bà mẹ tảo tần, đêm đêm thắp hương trên bàn thờ, cầu nguyện chư Phật, rằm, mồng một đi chùa…; và vẫn có thể là những người ở vùng sâu vùng xa, nơi mà những người có đạo tâm lo lắng làm sao ánh từ bi trí tuệ tỏa sáng, làm tan đi những thế lực đen tối. Thật cảm động khi có người như thế:

Đó là Phật tử Mai Thị Sinh , pháp danh Nguyên Bình, dân tộc Vân Kiều, sống tại xã Krong Klang, huyện Dakrông, tỉnh Quảng Trị, đã biến nhà mình thành Niệm Phật Đường, từ đó có vài chục người, đa số là đồng bào Vân Kiều đến tu tập. Cô được thiện duyên do một người hàng xóm mới đến ở, tụng kinh niệm Phật mỗi buổi chiều làm cô thích và từ đó tin Phật; sau này dù chồng mất, phải nuôi 6 con, cô vẫn quyết tâm theo Phật. Ý nguyện tạo dựng Niệm Phật Đường trang nghiêm được nhiều người ủng hộ, cúng dường tượng Phật, hào quang, pháp khí,… Cô còn mong làm sao ở địa phương có ngôi Tam Bảo để khỏi tu…mù! Cô mừng vì từ khi có Niệm Phật Đường, nhiều người đã biết Đạo Phật và sống hạnh phúc hơn.

Người Phật tử an lạc biết bao nhiêu và góp phần tạo hạnh phúc cho xã hội biết bao nhiêu nếu sống theo lời nguyện:

“Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm giữ  ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy”
(Kinh Pháp Cú)

Cao Huy Hóa

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here